Read more: TẠO HỘP ẨN BÌNH LUẬN MỚI NHẤT (NEW COMMENTS) |tranluat57trnlut Under Creative Commons License: Attribution Share Alike SỨC SỐNG: Ý NGHĨA KINH MÂM CÔI

BANER

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Ý NGHĨA KINH MÂM CÔI

Tháng 10 là Tháng Mân Côi dâng kính Mẹ Maria. Trong tháng này, Giáo Hội mời gọi người tín hữu dâng lên Mẹ Thiên Chúa những lời kinh, để nhờ Mẹ tạ ơn Thiên Chúa về những ơn lành Ngài đã ban cho bản thân, gia đình, Giáo Hội và thế giới; đồng thời cũng khẩn cầu Mẹ can thiệp cùng Thiên Chúa đoái thương nhìn đến tương lai của thế giới và Giáo Hội cũng như số phận của các linh hồn. Hoa hồng là nữ hoàng của các loài hoa. Trong các hình thức đạo đức bình dân, Kinh Mân Côi là nữ hoàng. Dâng lên Mẹ Thiên Chúa nữ hoàng các loài hoa là Hoa Mân Côi, không chỉ làm vừa lòng Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn làm cho Thiên Chúa Ba Ngôi được vinh quang. Khi chúng ta dâng lên Mẹ những lời ca khen, thì Mẹ đều quy về Thiên Chúa hết: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Mẹ Maria là một loài hoa được Thiên Chúa ưa thích nhất, bởi vì Mẹ là hoa tuyền vẹn mọi đàng. CỨ LÀM THEO cách của Mẹ Maria, chúng ta quy mọi sự về cho Thiên Chúa qua những lời trong Kinh Mân Côi để tạ ơn Ngài. LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI
 Từ ngày đầu, các Tín Hữu đã tôn vinh Đức Mẹ - Đấng mang tước hiệu Rosa Mystica: Hoa Hồng Mầu Nhiệm – bằng cách dâng lên Mẹ những đóa hoa hồng. Tập quán này có lẽ khởi sự từ thế kỷ thứ XII: thần dân mang hoa hồng dâng lên đức vua mình, như một biểu hiện cho lòng tùng phục và trung thành. Vô hình chung, các Tín Hữu đã xem tràng hạt Mân Côi (Rosaire: tràng hoa hồng), kết bằng những đóa Ave, là một vương miện hoa hồng dâng lên Đức Mẹ Maria. Theo các nhà nghiên cứu, Kinh Mân Côi không xuất hiện một cách thình lình. Thánh Thần đã cho tràng hoa hồng này hé nở dần dần xuyên qua dòng lịch sử.
 Từ giữa thế kỷ III, những đan sĩ nơi sa mạc đã có thói quen kêu cầu Đức Mẹ trong mỗi lần cầu nguyện: Lạy Nữ Vương, rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Sau này – khoảng thế kỷ VI – trong giáo hội Đông Phương, phụng vụ mời gọi tín hữu chào mừng đấng Theotokos – Mẹ Thiên Chúa – bằng những lời cầu: Kính Mừng (Kính Chào), đỉnh cao mà trí tuệ con người không bao giờ đạt đến; Kính Mừng vị hiền thê đồng trinh… Trong khi suy niệm về các mầu nhiệm trong đời Mẹ: Truyền Tin, Đi Viếng… Vào thế kỷ X và XI, những tu sĩ không biết tiếng la tinh có thói quen đọc 150 kinh Lạy Cha thay cho 150 thánh vịnh trong phụng vụ giờ kinh. Tập thánh vịnh bên lề này bao gồm ba chuỗi năm mươi hạt được gọi là Pentenoster (50 kinh Lạy Cha). Năm mươi kinh Lạy Cha dần dần được thay thế bằng lời chào ‘Ave Maria’ (kính mừng/chào Maria) của thiên sứ Gabriel. 
Vào thời ấy, hai chuỗi Pentenoster và Tập Thánh Vịnh ca ngợi Đức Mẹ Maria được sử dụng song song. Tài liệu lịch sử cho thấy rằng vào thời ấy, người ta tôn kính Đức Mẹ bằng cách đọc 50 hay 150 lời chào ‘Ave Maria…’. Trong một bộ luật của ẩn sĩ có qui định rằng phải đọc 50 kinh Ave theo từng chục. Hằn là từ đấy người ta giữ thông lệ là đọc một kinh Lạy Cha để đánh dấu khởi đầu cho mỗi chục kinh Ave. Lòng trung tín của con cái tôn vinh Đức Mẹ, đấng phù hộ các giáo hữu, được ân thưởng vào thế kỷ XII. Chính Đức Bà Mân Côi đã bảo vệ vương quốc của mình chống lại phái dị giáo Albi. Như ta đã biết, giáo phái này phủ nhận mầu nhiệm Nhập Thể và do đó cũng phủ nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ. Giáo phái này cũng chống đối cơ chế giáo hội, các bí tích và xã hội chính trị. Các vua chúa thời ấy lo ngại và yêu cầu Giáo Hội trợ giúp. Đức Giáo Hoàng được linh hứng nên đã trao cho Đôminicô de Guzman – thánh sáng lập hội dòng Đa Minh (O.P. = Ordo Praedicatorum: Dòng Truyền Giảng) – sứ mạng rao giảng phúc âm cho những miền đất bị ảnh hưởng của giáo phái này. Thánh Đa Minh được Nữ Vương các thánh Tông Đồ hướng dẫn nên đã kêu gọi lần hạt Mân Côi. Từ một phương thức cầu nguyện hướng về suy niệm, chuỗi Mân Côi trở thành một phương tiện để hoạt động tông đồ. Thành công vượt quá mức chờ mong: trong vòng non ba mươi năm, lạc thuyết này đã hoàn toàn tan biến, trật tự xã hội được tái lập, và tâm hồn tín hữu trở về với chân lý. Thánh Đa Minh cũng sáng lập một huynh đoàn các hiệp sĩ hòa bình nhưng rất dứt khoát đi ngược lại với mọi sai lệch: Các Hiệp Sĩ Vui Tươi (Gais Chevaliers). Các huynh đoàn Mân Côi khác tiếp tục công trình của ngài. Người ta cũng gọi là Huynh Đoàn Chết Lành, theo niềm tin thuở ấy cho rằng những ai chào mừng Đức Bà thì cũng được Đức Bà chào đón ở cửa Thiên Đàng, khi họ qua đời. Cũng vì thế mà vào thời ấy người ta thêm vào lời chào ‘Ave Maria…’ của sứ thần Gabriel lời nguyện sau: Santa Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae, amen : Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con (tôi) là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử, amen. Và như thế, kinh ‘Ave’ bắt đầu mang hình thức giống như Kinh Kính Mừng hiện nay. Nhờ chuỗi Mân Côi mà các huynh đoàn này có được một chỗ đứng chính thức trong xã hội; tuy nhiên sau đó lại phải trải qua thời kỳ rất khó khăn: cơn dịch hạch 1348 tàn phá Châu Âu; trận chiến Một Trăm Năm và cuộc ly khai đã gieo mối bất hòa và xung đột trong thế giới Kitô giáo. Dần dần, việc rao giảng về kinh Mân Côi trở nên thứ yếu và việc lần hạt Mân Côi trở thành một việc sùng kính cá nhân. Vì thế, những người trung thành với kinh Mân Côi càng ngày càng thấy nỗi đau của Đức Mẹ nên muốn kiết hiệp với các sự thương khó của Mẹ. Thánh Vincent Ferrier, linh mục Đa Minh (1350-1419) kêu gọi tín hữu vừa chiêm ngắm những bức tranh diễn tả các sự thương khó Đức Mẹ vừa đọc kinh Kính Mừng. Việc sùng kính trở thành Mầu Nhiệm Năm Sự Thương mà ta suy niệm trong chuỗi Mân Côi ngày nay. Thế kỷ sau đó, chân phước Alain de la Roche tiến hành một cuộc thánh chiến thiêng liêng để cổ võ cho kinh Mân Côi và đặt ra hình thức mà ta sử dụng hiện nay. Năm 1470, Ngài sáng lập tại Douai một hội dòng mang tên Huynh Đoàn Tập Thánh Vịnh ca ngợi Đức Mẹ (Confrérie du psautier de la bienheureuse Vierge). Từ đó, việc lần hạt Mân Côi được lan tỏa ra khắp nước Pháp, tại các vùng Flandres, Picardie, Ile de France, Bretagne, Alsace và Lorraine. Ngài thiết lập các huynh đoàn tại Cologne và tại Lille và truyền bá việc sùng kính này cho hơn 100.000 người. Đức Giáo Hoàng Sixte VI ra một sắc chỉ để hiến thánh công việc của dòng Đa Minh: Kinh Mân Côi, từ trước đến giờ vẫn là một lối sùng kính của người bình dân ít học, giờ đây chính thức trở thành kinh nguyện của Giáo Hội. Thế nhưng mây đen lại ập trên thế giới Kitô giáo. 
Xuất phát từ nếp sống phóng khoáng của thời Phục Hưng, phong trào Giáo Hội Cải Cách (Tin Lành) khiến cho Giáo Hội và xã hội bị xé ra nhiều mảnh; các trận chiến giữa các tôn giáo gây đau khổ cho Kitô hữu. Trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa Châu Âu thì Kitô hữu bị phân tán giữa Charles Quint, Henri VIII và François I. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, trong khi các huynh đoàn tha thiết đọc kinh Kính Mừng, thì Đức Bà Mân Côi đã giúp cho các chiến thuyền công giáo, dưới quyền chỉ huy của Don Juan nước Áo, chiến thắng vẻ vang hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepante. Ngược lại với sự phóng khoáng của phong trào Phục Hưng và Tin Lành là tinh thần bó hẹp của giáo phái Jansen. Cuối cùng, phái này cũng đem đến những trái độc: lòng sùng đạo trở nên nguội lạnh, đặc biệt đối với Đức Mẹ. Đó đây chỉ còn vài ốc đảo dành cho chuỗi Mân côi… Thế rồi cha Louis Marie Grignion de Montfort xuất hiện, mang tập Thánh Vịnh ca ngợi Đức Mẹ như vũ khí hòa bình, rong ruổi khắp miền Bretagne, Poitou và Vendée, rao giảng Tình Yêu và lòng Thương Xót của Thiên Chúa đồng thời phơi trần thảm kịch của tội lỗi. Nhờ tràng hạt Mân Côi, những tỉnh này đã được tái phúc âm hóa để trở nên nơi tập trung cao nhất số Kitô hữu tử đạo trong thời kỳ Cách Mạng Pháp. Qua cơn bão táp cách mạng, năm 1828, Pauline Jaricot sáng lập tại Lyon Hiệp Hội Mân Côi Sống để truyền giảng phúc âm, mà riêng tại Pháp đã có được hơn một triệu thành viên.
 Chẳng bao lâu sau, năm 1858, tại Lộ Đức, Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra với cô bé Bernadette: Mẹ đang lần hạt như nêu gương cho mọi con cái mình. Trước một tấm gương đầy tình mẫu tử ấy, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết 12 thông điệp liên tiếp để ca ngợi Chuỗi Mân Côi. Cuối cùng, ngày 13 tháng 10 năm 1917, tại Fatima, Đức Mẹ mặc khải tên mình cho ba em bé: Mẹ là Đức Bà Mân Côi. Rối Mẹ nói tiếp: Mẹ mong mọi người tiếp tục lần hạt mỗi ngày… Mẹ cũng hứa rằng: Ai xưng tội rước lễ ngày thứ bảy đầu tháng liên tục trong năm (5) tháng, đồng thời ở cạnh Mẹ mà lần hạt trong 15 phút, suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, trong tinh thần phạt tạ, thì Mẹ hứa sẽ phù trợ người ấy vào giờ lâm tử, và chuyển đến mọi ân sủng cần thiết để được rỗi linh hồn. Chuỗi Mân Côi! Một chuỗi hồng ngọc nối kết chúng ta với thời các Tông Đồ, nhờ mối dây tuyệt hảo và bền bỉ là Đức Mẹ. Chuỗi Mân Côi gắn liền lịch sử mình với lịch sử Giáo Hội. Chuỗi Mân Côi xuất phát từ Trái Tim của Đức Mẹ ngày Truyền Tin; người lần hạt Mân Côi đầu tiên chính là Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, sau đó đến lượt các Tông Đồ là những người đã suy niệm Phúc Âm quanh Đức Mẹ tại phòng Tiệc Ly. 15 LỜI HỨA CỦA ĐỨC MẸ (Những lời Đức Mẹ bộc lộ với thánh Đa Minh và chân phước Alain de la Roche) 
1) Ai sùng kính lần hạt Mân Côi, Mẹ hứa che chở họ một cách đặc biệt và thông ban nhiều ơn lành. 
2) Ai trung thành lần hạt sẽ nhận được những ân sủng đặc biệt. 
3) Chuỗi Mân Côi là một lá chắn vững bền chống lại hỏa ngục; nó sẽ tiêu diệt thói hư tật xấu, cứu thoát khỏi tội lỗi, xóa tan những lạc thuyết.
 4) Chuỗi Mân Côi sẽ là trổ sinh các nhân đức và hành vi tốt lành, và đem đến cho các linh hồn lòng thương xót dồi dào của Thiên Chúa; nói sẽ thay thể tình yêu thế gian nơi tâm hồn bằng Tình Yêu Thiên Chúa, và nâng tâm hồn lên những tiện ích thiêng thượng và vĩnh cửu. Biết bao nhiêu linh hồn sẽ được nên thánh nhờ phương tiện này.
 5) Ai ký thác mình cho Mẹ qua kinh Mân Côi, người ấy sẽ không hề hư mất.
 6) Người nào sốt mến lần hạt Mân Côi, và chiêm ngắm các mầu nhiệm, người ấy sẽ không bị nghịch cảnh vùi dập. Nếu là tội nhân, người ấy sẽ hoán cải; nếu là công chính, người ấy sẽ lớn lên trong ân sủng và xứng đáng hưởng sự sống đời đời.
 7) Ai thực sự tôn sùng chuỗi Mân Côi sẽ được trợ giúp trong giờ lâm tử bằng ân sủng từ trời cao.
 8) Những ai đọc Kinh Mân Côi sẽ bắt gặp khi sống cũng như khi chết ánh sáng của Thiên Chúa, sự viên mãn của ân sủng Người và chia sẻ công nghiệp của các chân phước. 
9) Mẹ sẽ nhanh chóng cứu khỏi luyện ngục những tâm hồn nào sùng kính Chuỗi Mân Côi.
 10) Những người con đích thực của Chuỗi Mân Côi sẽ tận hưởng vinh quang cao cả trên trời. 
11) Điều gì các con xin cùng Mẹ qua kinh Mân Côi, thì các con sẽ nhận được. 
12) Những ai truyền bá Chuỗi Mân Côi sẽ được Mẹ trợ giúp trong mọi nhu cầu của mình. 
13) Mẹ đã xin Con Mẹ chấp thuận rằng những huynh đệ Chuỗi Mân Côi sẽ được làm huynh đệ với các thánh trên trời, cả đời này lẫn đời sau.
 14) Tất cả những ai trung thành đọc kinh Mân Côi đều là con cái yêu dấu của Mẹ, là em trai em gái của Chúa Giêsu. 
15) Sùng kính Chuỗi Mân Côi của Mẹ là dấu chỉ rõ rệt cho sự sống mai sau.
 thanhlinh.net

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét